1 VÌ SAO RỤNG TRÊN NÚI ĐA! BữU LONG – Học giả Lương Văn Lựu
By aihuubienhoa on April 13, 2013
TRUYỆN PHÓNG TÁC:
MỘT VÌ SAO RỤNG TRÊN NÚI ĐÁ BỬU LONG
Lương Văn Lựu
(Biên Hoà, Việt Nam)
Hội Ái Hữu Biên Hoà trân trọng ngỏ lời tri ơn đến đồng hương bà Lương Ngọc Dung, trưởng nữ của Sử Gia Lương Văn Lựu, đã giúp đở dành cho những bài viết lợi ích, tài liệu quý hiếm về Biên Hoà, để Hội có dịp phổ biến về lịch sừ tỉnh nhà. Chân thành cảm tạ.
Ngày xưa, bên nước Trung Hoa, tôi trung thần nhà Hán là Tô Võ đi sứ Hung Nô, bị Thuyền Vu bắt đày chăn dê trên đất Bắc.
Đã có một thời, riêng ở trong cái tỉnh nhỏ bé nầy, trên đồi Long Ẩn, tôi cũng lại hân hạnh diễn lại lớp chăn dê của Tô Võ.
Đồi Long Ẩn là một trái núi nhỏ, nằm giữa làng Bửu Long bên tả ngạn sông Đồng Nai, cách trên Châu Thành Biên Hoà lối bốn ngàn thước. Chính ở trên ngọn núi này, tôi đã kéo dài đời sống cô độc cằn cổi, với một bầy dê hiền lành ngoan ngoản, là những tâm hồn bầu bạn với tôi.
Có thể nói đây là một khung cảnh riêng, cách biệt với thế giới thị thành.
Đôi khi trọn cả tháng, tôi không trông thấy được một bóng dáng của người ở dưới tỉnh. Thỉnh thoảng trong một vài tuần, mới có người đi ngang qua, một vị tăng lử, một anh thợ đập đá hoặc một chị hầm than. Tất cả đều là những người thuần quê chất phác, im lặng, ít hay nói, cơ hồ như câm tiếng, bởi bị ảnh hưởng bởi cảnh vật quá quạnh hiu.
Thế cho nên, tôi rất vui mừng khi nghe được từ dưới chân núi đưa lên tiếng chuông len- ken trong chiếc xe bò của chú Ba hoặc tiếng gióng kẻo kẹt của Bà Hai vận lương hằng tháng lên cho tôi.
Trông thấy họ, công việc đầu tiên là tôi xin họ kể tôi nghe những chuyện dưới tỉnh. Tôi khao khát biết những ngày hội hè đình đám, những lể cưới hỏi của các bạn trai tơ, gái lứa trong làng, nhứt là sức khoẻ của cô Mai Khanh, con Ông Bà Chủ tôi, một thiếu nử trẻ đẹp nhất vùng. Tôi muốn biết cô có thường hay không, đi dự hội hè nơi chùa miểu hoặc họp bạn nơi nhà cô, và các cậu trai nào hay dòm ngó cô.
Ai cho tôi là ngớ ngẩn, tôi là gả chăn dê hèn mọn, lại tìm biết chi những viễn vọng xa vời, tôi xin thưa: tôi là thằng trai mười tám, còn cô là một thiếu nử đương xuân, tôi có quyền xem đó cô như là một nguồn sống đẹp nhất đời tôi.
Một ngày cuối tháng, tôi đợi lương thực. Hôm nay, trông chiếc xe bò lạch cạch và tiếng gióng kẻo-kẹt mãi cho đến trưa mà không thấy lên, tôi đoán chắc vì trận mưa ban mai.
Còn đang phân vân vì nhiều lẻ khác nửa, thì tôi thấy thoáng từ dưới đường mòn, chậm chạp leo lên, một tà áo hồng đang ì ạch đẩy chiếc xe đạp, đèo theo một giỏ xách lớn. Xem rõ lại khi lên đến gần, tôi nhận ra đó không phải người thường lệ mà là (quí bạn đọc thử đoán giùm tôi)…! Trời! có thể như thế được chăng? Tôi mê sảng hay tôi đang nằm mộng? Rỏ ràng là cô Mai Khanh, con gái của Ông và Bà Chủ tôi ở dưới tỉnh.
Vừa dựng chiếc xe đạp cô vừa nói cho biết Chú Ba bịnh và Bà Hai về thăm cháu, nên cô thay thế vận lương lên cho tôi. Cổ bảo theo dọc đường, cô có ghe lại xem thợ hoa kiều chạm đá, vào lò xem đạp mía nấu đường và khi đến núi cô mãi mê đuổi bướm hái hoa, bị lạc đường nên giờ này cô mới tới .
Hôm nay, cô chủ rất đẹp, trong bộ áo hồng, trên vừng tóc mây, lại kết thêm một cánh hoa lụa màu tím lợt. Cô hồng hào như một cánh hoa tươi buổi sáng.
Rất ít khi tôi được nhìn cô tận mắt. Cũng có lần tôi được về nhà Ông Bà Chủ và ăn cơm tại đó, cô Mai Khanh cũng có đi xuống bếp, nơi tôi dùng bửa, nhưng cô đi thoáng qua một cách vội vàng, không buồn để ý hoặc nói lấy một lời nói với kẻ tôi tớ trong nhà. Cô luôn luôn kiêu sa, lộng lẩy, hãnh diện, tự đắc với nhan sắc và địa vị của cô.
Nay, tôi lại có được cô đứng trước mặt, để cho tôi ngắm xem một mình.
Thật là chuyện thế gian hy hữu.
Tôi giúp cô để tháo giỏ đồ ăn xuống.
Cô bò lên tảng đá cao nhất, đứng nheo mắt nhìn bao quát bốn phiá. Tôi leo lên để hướng giải cho cô biết:
Bên kia, Phố Giang lấp lánh lặng lờ chui qua đôi cầu sắt, núi Châu Thới in sậm màu trên nền trời màu lơ.
Ở về phía Đông thành phố Biên Hoà: Hãng Máy Cưa Tân Mai, Viện Dưỡng Trí và Căn Cứ Không Quân nhô lên khỏi màu cây lá, với những nóc nhà đỏ ối, và mấy lầu nước trắng đục .
Ngang sông, Chợ Lò Gạch, chiếm một phần Cù Lao Thạnh Hội hai chòm cây sao kết họp thành một con rùa khổng lồ, nằm phủ phục dưới trời Biên Hùng.
Xa nữa, ở về hướng Tây Bắc, ngọn núi Bà Đen (Tây Ninh) đứng sửng làm một tấm bình phong cho cảnh rừng xanh nối tiếp đến tận chân trời.
Trông về phía Nam, mấy cây cột “dây thép gió” (vô tuyến điện Phú Thọ) của Đô Thành Sài Gòn cao ngất, lờ mờ, gần lẫn với da trời trong xanh.
Cô lại leo xuống, tò mò nhìn chung quanh chuồng dê, rồi bước vào chòi tôi. Nơi sập ván, có mớ cỏ khô làm nệm, là chổ tôi ngủ, tôi trải thêm một manh chiếu. Trên vách lá, tôi treo một chiếc áo tơi, một gậy tầm vông, một ống sáo, một cây giàn thung, một ống xì đồng.
Hình như cô rất vui thích mà trông thấy được bao nhiêu món cần dùng ấy của tôi. Cô hỏi tôi dồn dập:
– Anh Tư, chổ anh ở đây phải không? Ở một mình trên này chắc buồn lắm phải không anh Tư ? Anh có tưởng nhớ đến cô nào không anh Tư ?
Tôi muốn trả lời, “Thưa cô, chính cô chủ đó” vậy là tôi không dấu lòng tôi. Nhưng tôi lại cảm thấy tâm trí bấn loạn và cỏi lòng xao động, nên tôi không tìm ra được một lời.
Hình như cô đoán được nhược điểm ấy, nên cô lại ác phá tôi thêm:
– Và còn “chị Tư” chị có lên đây thăm anh lần nào không? Chắc là “chị Tư” đẹp lắm. Hẳn là một bông hoa rừng hoặc một vị tiên nữ mới bén mảng đến được chốn non nước nầy, phải không anh?
Rồi cô chấm câu, bằng một giọng cười dòn, trong trẻo hồn nhiên.
Nghe câu diểu cợt của cô, tôi có một liên tưởng: chính cô là vì tiên nữ ấy, với cách đi đứng thanh thoát, nhẹ nhàng, uyển chuyển của cô.
Cô kiếu từ tôi:
– Thôi tôi về nghen anh Tư!
– Dạ , chào cô chủ , chúc cô về bình yên.
Tôi giúp cô cột giỏ không vào xe, rồi cô dắt xe đạp xuống đồi. Tiếng xe cán sỏi xào xạt trên đường mòn như vang dội đến lòng tôi. Cô đi khỏi mà tôi còn nghe tiếng sỏi lào xào, lâu, thật lâu. Tôi đứng trông theo bóng hồng trên con đường dốc thoai thoải chạy uốn khúc dưới chân đồi, tần ngần, không dám cử động, sợ cảnh mộng rồi sẽ tan đi.
Trời về chiều, cảnh vật ở dưới đồng ngã sang màu xanh đậm. Bầy dê lũ lượt kéo về chuồng…
Không mấy chốc, mây khói đen dồn về phía góc trời Tây, đen kịt, rồi cuồn cuộn bay về phương Đông. Một cơn gió lùa theo, mưa bắt đầu đổ hột…
Nghe có tiếng kêu ơi ới dưới chân núi đưa lên, tôi xuống núi xem, thì gặp cô Mai Khanh ướt loi ngoi đang dắt xe đạp trở lên.
Bây giờ cô là một bông hoa héo xèo.
Cảnh vật u ám dưới một bầu trời phong vũ .
Đường xa, quyết nhiên cô trở về không kịp. Biết làm sao báo tin cho nhà cô hay ? Còn tôi không thể bỏ bầy dê mà đưa cô xuống núi. Bao nhiêu lo âu dồn dập làm cho cô run sợ. Trông cô, tôi thấy thương hại vô cùng.
Tôi an ủi cô:
– Thưa cô chủ, lở tối rồi, thôi cô chủ ở tạm tại đây không sao đâu! “Tháng Năm chưa nằm đã sáng”. Lúc nầy trời mau sáng lắm, mai cô chủ hảy về.
Tôi đưa cô vào chòi, nổi lửa lên cho cô sưởi, nấu chút cháo trắng và hâm sửa dê để cô dùng ? Nhưng cô có để ý đến những bận rộn của tôi đâu, cô vẫn ngồi im thinh thích, đôi mắt rưng rưng lệ. Trông cô, tôi thấy nao cả lòng.
Bấy giờ trời tối hẳn. Tôi đi dọn “phòng” tôi, sửa mớ cỏ khô, giũ lại chiếc chiếu, trang trọng trải lên, rồi mời cô vào nghỉ.
Tôi ra ngoài chòi ngồi, để canh chừng giấc ngủ cho cô.
Ngày xưa, Quan Vân Trường phò hai vợ của Lưu Bị, có lần ngồi chong đèn một mình xem ssách nơi cửa phòng, để hầu giấc ngủ cho hai người chị dâu. Đó là do khí tiết thanh cao của bậc trượng phu hiệp nghĩa.
Nay tôi thủ vai lại vai Quan Công, có lẻ vì lòng tôn kính Mai Khanh.
Tôi thấy tinh thần sáng suốt và trí không vẩn đục bởi một ý nghĩ nào khác hơn là lòng tự đắc vì có được, giữa một bầy dê hiền lành, một con chiên trinh trắng, xinh đẹp, đang ngơi nghỉ dưới sự bảo vệ của tôi.
Tôi khoanh tay ngồi nhìn trời. Sau cơn mưa, trời bắt đầu quang đảng trở lại. Sao lấp lánh trên nền trời cao thăm thẳm.
Bỗng nhiên nghe tiếng cửa chòi khua động, tôi dòm lại thấy bóng cô Mai Khanh. Có lẽ vì tiếng sột soạt của bầy dê be và vì chỗ lạ, cô ngủ không được, nên bước ra, ngồi bên đống lửa cạnh tôi.
Thấy thế tôi vội lấy chiếc bao bố, thường để làm mền, choàng thêm cho cô đở lạnh, đốt thêm lửa, rồi trở lại ngồi với cô. Tôi lẳng lặng nhìn trời.
Nếu có dịp xem và để ý, ta sẽ nhận thấy: trong lúc mọi người đang say ngủ, có một thế giới huyền bí chổi dậy trong cô tịch và im lặng. Thác nguồn đổ, tiếng trong rõ hơn. Trên mặt ao bèo, nổi lên những đóm lửa ma trơi. Nhạc hồn đất nước phưởng phất tự do trên mặt sông, đỉnh núi. Trong không gian, có tiếng vi vu, rì rào, như tiếng của hoa ngàn cỏ nội đang nẩy lộc đâm chồi.
Ban ngày là cuộc sống hổn tạp của sinh vật, ban đêm thuộc về vạn vật. Nếu không quen ở giữa cảnh cô đơn lặng lẻ nầy, người ta sẽ có một cảm giác lạ. Thế nên cô Mai Khanh run lên và nép lại gần tôi, mỗi khi cô nghe tiếng động nhỏ. Có lúc, một tiếng hú dài, buồn thảm, từ dưới rạch Ông Lô lấp lánh, vọng lên, oằn oại.
Đồng thời, một vì sao xẹt ngang qua đầu chúng tôi, theo chìu tiếng hú, làm tôi có cảm giác như là tiếng hú mang theo một làn ánh sáng.
Cô Mai Khanh hỏi nhỏ tôi:
– Gì thế hở anh Tư?
– Dạ thưa cô chủ, đó là một linh hồn thăng về Thượng Giới.
Tôi chấp hai tay và niệm Phật.
Cô bắt chước theo tôi, rồi thành kính ngẩng đầu trông lên chổ vì sao vừa mất hút.
– Anh là một nhà thông thiên học!
– Dạ không phải, tôi thạo vì tôi ở trên nầy, được gần muôn sao, hơn người ở dưới đồng bằng.
Cô vẫn đăm đăm trông lên nền trời sao sáng; nhìn cô trong chiếc choàng bố, tôi có ý nghĩ cô ta là một vị Đồng Tử chăn chiên trên chốn Thượng Thiên.
– Chà đẹp quá, tôi ít khi trông được trời cao, sao sáng như thế này. Anh kể chuyện sao cho tôi nghe đi anh Tư.
– Dạ, cô trông nơi hướng Đông, có một vì sao tỏ rạng hơn hết, đó là sao Thương, hay sao Hôm cũng thế. Có tích: Hai người con trai Cao Tân, là Yêu Bá và Thực Thần, vì hay cải lộn với nhau, bị Ngọc Hoàng đày mỗi người một nơi, không cho gặp nhau. Yêu Bá ở phương Đông làm sao Hôm còn Thực Thần ở phía Tây, làm sao Mai hay sao Sâm. Hể sao Hôm lặn đằng Tây, thì sao Mai mới mọc hướng Đông, không bao giờ hai vì tinh tú ấy gặp nhau.
“Sao Hôm chờ đợi sao Mai”
“Sâm, Thương đôi ngả”
Xế về hướng Bắc, miền thác Trị An, có một chòm sao lẻ loi sáng trong xanh hơn ai hết, (gồm có chòm 7 ngôi sao nhỏ) đó là thất tinh hay sao Bắc Đẩu:
“Chuôi sao BắcĐẩu đã ba năm tròn
Đá mòn nhưng dạ chẳng mòn,
Tàu khê nước chảy hảy còn trơ trơ”.
Chòm sao tỏ rạng ở bên kia, trông giống như cái cày, có cái chuôi , là “sao cày”. Đó là chiếc đồng hồ thiên nhiên của bọn mục đồng nhà nông chúng tôi. Xem vị trí của nó ở đó, tôi biết giờ nầy là quá nửa đêm.
Lại có một chòm khác, đóng thành hình tam giác, giống như cái muỗng thìa đựng nước mía, nên người ta gọi là “Sao Muống”.
Kìa cô trông thấy cái bánh lái ghe ai bỏ lơ lửng giữa biển trời xanh: đó là “sao bánh lái”.
Sang qua bên hướng Nam một chút, có một chòm sao nhỏ li ti ở khít nhau, đó là “Sao Vua”.
Có câu hát:
“Sao vua chín cái nằm kề, Anh thương em từ thưở mẹ về với cha”
Cô trông: con đường lớn sáng tỏ trên đầu chúng ta, từ hướng Sài Gòn bắt vòng qua rừng Long Khánh, là dãy Ngân Hà, nơi chim Ô Thước đội cầu cho sao Ngưu và sao Chức, ở cách bờ, gặp nhau mỗi năm, trong ngày Thất Tịch:
“Đêm đêm tưởng dảy Ngân Hà”
– Sao mà cũng có làm vợ chồng với nhau sao, anh Tư?
– Thưa cô chủ, có chớ!
Tôi định giải thích cho cô Mai Khanh hiểu thế nào là vợ chồng nhà sao, bỗng tôi nghe một vật gì êm mịn, mát dịu rợi nhẹ trên vai tôi. Thì ra đó là đầu cô chủ nặng mỏi vì buồn ngủ, ngả ngoẻo trên mình tôi. Tôi nghe lụa hoa tím và mớ tóc mây cô chạm nhẹ một cách êm ái trên má tôi .
Tôi lẳng lặng ngồi chịu cho đầu cô gục ngủ mãi đến khi các vì sao trên không, xanh nhạt vì chân trời đang rựng sáng. Tôi nhìn cô ngủ, lòng vẫn thản nhiên với bao nhiêu thiện ý, trước cảnh vật im lìm, giữa một đêm hiền lành trong sáng. Trên đầu tôi, ngàn sao vẫn tiếp tục luân chuyển vận hành trong im lặng ngoan ngoản như một bầy chiên ở chốn Thượng Thiên. Tôi có cảm tưởng như một vì sao trên đó, vì sao mảnh mai xinh đẹp và tỏ rạng nhất, bị lạc đường, rơi xuống trên núi nầy, đậu ngủ trên vai tôi. (Ý của A. Daudel)
Latest News
-
LỘC ĐỈNH KÝ 119
http://luuphuongbienhoa.blogspot.com/
- Posted February 25, 2016
- 0
-
EM VỀ ĐÂU CỐ NHÂN – THƠ NGUYỄN CANG
MỜI XEM
- Posted February 25, 2016
- 0
-
HỌ LEE KOREA
MỜI XEM
- Posted February 25, 2016
- 0
-
CÔNG THÀNH DANH TOẠI THÂN THOÁI – THƠ THẦY CHẠY SYDNEY
MỜI XEM
- Posted February 25, 2016
- 0
-
THÔNG BÁO
MỜI XEM
- Posted February 25, 2016
- 0
-
THƠ-VIẾT CHO DÂN TỘC MỘT TRANG SỬ HÙNG
THƠ-VIẾT CHO DÂN TỘC MỘT TRANG SỬ HÙNG
- Posted April 14, 2018
- 0
-
THƠ-LỠ ĐỜI NHAU
THƠ-LỠ ĐỜI NHAU
- Posted April 14, 2018
- 0
-
ĐOẠN ĐƯỜNG KỶ NIỆM….HAI BÀ TRƯNG TÂN ĐỊNH
ĐOẠN ĐƯỜNG KỶ NIỆM…..HAI BÀ TRƯNG, TÂN ĐỊNH
- Posted April 14, 2018
- 0
-
MẤP MÉ TIỂU ĐƯỜNG
MẤP MÉ TIỂU ĐƯỜNG
- Posted April 14, 2018
- 0
-
LÀNG BÌNH LONG: TRẠM XÁ VÀ RẠP HÁT
LÀNG BÌNH LONG. TRẠM XÁ VÀ RẠP HÁT
- Posted April 14, 2018
- 0
-
THƠ-ĐỒNG LÒNG ….ĐẤU TRANH
THƠ-ĐỒNG LÒNG….ĐẤU TRANH
- Posted April 7, 2018
- 0
-
THƠ-THÁNG TƯ QUỐC HẬN
THƠ-THÁNG TƯ QUỐC HẬN
- Posted April 7, 2018
- 0